Với “Yêu thì ghét thôi”, NSƯT Chí Trung đã “bước qua lời nguyền” NSƯT Chí Trung từng nhiều lần tuyên bố thẳng thắn rằng, không thích xem ...
Với “Yêu thì ghét thôi”, NSƯT Chí Trung đã “bước qua lời nguyền”
NSƯT Chí Trung từng nhiều lần tuyên bố thẳng thắn rằng, không thích xem phim Việt Nam, ngay cả phim anh đóng cũng vậy vì anh quá bận. Nhưng với “Yêu thì ghét thôi”, anh đã phải “bước qua lời nguyền”. “Bây giờ tôi đã biết ngóng đợi mỗi tối thứ Tư, thứ Năm như đợi người yêu để xem phim”, Táo Giao thông nói.
Nghệ sĩ Chí Trung vào vai Quang “quác” hài hước trong “Yêu thì ghét thôi”. Ảnh: NM
Tôi bị nói là “chảnh chó”
Sự trở lại của phần 2 “Yêu thì ghét thôi” không đạt được hiệu ứng truyền thông như phần 1. Là 1 trong những diễn viên chính anh cảm thấy thế nào?
- Cá nhân tôi lại nhận thấy phần 2 được khán giả quan tâm và đánh giá là “đằm” hơn phần 1. Tất nhiên, phim giống như hàng để giữa chợ, kẻ khen người chê là không tránh khỏi.
Nhưng phim hay hay dở là nằm ở chính lòng khán giả. Tôi làm sân khấu 40 năm tôi hiểu: Nhiều khi khán giả cứ ngộ nhận là phần sau không hay bằng phần trước, nhưng chính lòng khán giả đã nguội lạnh đi rồi, không còn hướng đến với một tâm trạng đầy háo hức nữa. Cũng như bạn đi ăn phở, hôm nay bạn ăn thấy rất ngon, ngày mai quay lại đúng cửa hàng đó nhưng không thấy ngon nữa. Là do cảm nhận của bạn chứ không phải quán phở đó kém đi. Vì thế khán giả cũng hãy nhìn lại lòng mình.
Một phần lý do được cho rằng vì sự phủ sóng quá lớn của “Quỳnh búp bê” thời gian qua. Vì thế ngoại truyện mới đây đang gián tiếp PR cho “Yêu thì ghét thôi”?
- Khán giả đang suy diễn. Mốt của thế giới nói chung nhất là xu hướng phim truyền hình châu Á nói riêng và đặc biệt phim Việt Nam là làm ngoại truyện. Vì sự hiếu kỳ và yêu thích của khán giả.
Mới đây trong phim mới lên sóng thay thế “Quỳnh búp bê” tôi rất thích dàn diễn viên trẻ. Có thể sau đó các bạn ấy sẽ lại nổi tiếng, nhưng những ảo ảnh truyền hình sẽ đến rất nhanh và bay đi cũng rất nhanh. Phim sau sẽ xô phim trước nên khán giả cứ ngồi hớt “bọt” và suy diễn thôi.
Có phải vì những lý do đó mà số lượng phim truyền hình của anh rất hạn chế?
- Tính tôi ngang ngang, gàn dở, cả khắt khe trong kịch bản. Kịch bản dở là tôi từ chối ngay. Hoặc dở cũng được nhưng phải tiền nhiều, ít nhất là gấp 3 lần bình thường thì tôi mới nhận. Nhưng tôi thừa biết VFC nào dám trả cao thế vì giá chung nhà nước. Tôi đòi để đánh đố, để mang tiếng là “chảnh chó”, để từ chối chứ chả nhẽ bảo kịch bản dở. Nhưng ngược lại, kịch bản hay thì đưa bao nhiêu lấy bấy nhiêu.
Vậy lý do anh nhận vai Quang “Quác” trong “Yêu thì ghét thôi” là gì?
- Cách đây lâu lâu khi họp báo phần 1 “Yêu thì ghét thôi” tôi có phát biểu 1 câu xanh rờn: “Tôi không bao giờ xem phim Việt Nam, ngay cả những phim mà tôi đóng vì tôi thấy vai của tôi rất là vớ vẩn. Thì đấy, Quang “Quác” rất là vớ vẩn. Nhưng báo chí bỏ hẳn chữ “vai tôi đóng” mà giật title “Tôi không bao giờ xem phim Việt Nam bởi vì rất vớ vẩn”. Mọi người xúm vào chửi om sòm. Vậy là hàng trăm đạo diễn rất ghét tôi nhưng trong số đó có 2 đạo diễn vẫn thích tôi là Đỗ Thanh Hải và Trịnh Lê Phong.
Vì thế họ bảo tôi làm gì tôi cũng làm. Hơn nữa, anh em cũng hiểu nhau. Trịnh Lê Phong nhìn diễn viên để ra nhân vật thì tôi cứ thế mà diễn đúng style. Đó là lý do xuất hiện Chí Trung - Quang “Quác” trong phim chỉ vì tôi “yêu” đạo diễn.
Vậy chuyện anh nói: Anh không xem phim Việt Nam là có thật sao? Thời điểm bộ phim rất hot mà anh cũng không xem?
- Bạn tin không, 33 tập phim “Kiều nữ và đại gia” cực kỳ nổi tiếng ở miền Nam, hơn 20 đài tiếp sóng liên tục nhưng tôi chưa xem 1 tập nào. 38 tập “Mật danh D9” thành công tôi cũng chưa xem. Và ngay cả những phim lẻ cũng chưa xem đơn giản vì tôi không có thời gian. Công việc nhà hát rất bận, hôm nào cũng 11-12h mới về đến nhà thì xem lúc nào. Mọi người không hiểu cứ “đổ oan” là tôi “chảnh”.
Nhưng cũng nói thật, bộ phim “Yêu thì ghét thôi” tôi thích. Khán giả đôi khi còn có thể “đánh lừa” được nhưng cái khó nhất là vượt qua bạn trong nghề, khi phim phát sóng, nghệ sĩ “Nhà” tôi đều bảo: “Anh Trung diễn vai này hay quá!” thì tôi mới biết là tôi diễn thành công.
Nên khoảng tập 15-17 gì đó tôi bắt đầu xem “trộm” vì lỡ mắc “lời nguyền” không xem mà. Thấy mình đóng cũng hay đấy. Nhưng tôi thích phần 2 vì thu âm trực tiếp đúng giọng thật của tôi.
Bây giờ tôi đã biết ngóng đợi mỗi tối thứ Tư, thứ Năm như đợi người yêu. Cũng hồi hộp, cũng sắp xếp lịch để xem live trực tiếp. Và cũng cay cú khi 3 hôm tôi để dành thời gian xem tập 19, 20, 21 mà chờ mãi không thấy mình xuất hiện. Tôi nhắn ngay cho Trịnh Lê Phong: “Nhục quá, đúng hôm anh bố trí việc nhà hát để ngồi chờ thì lại không miếng hình nào!”.
Nhưng nói gì thì nói, diễn viên cũng nên xem lại những gì mình diễn để rút kinh nghiệm chứ?
- Tôi không cần, vì công việc chính của tôi là sân khấu. Trên sân khấu tôi soi từng sợi tóc, hạt bụi nhưng phim ảnh chỉ là nơi “đón đưa” đến tôi và tôi có đôi chút thành công chứ không nhiều như các đồng nghiệp khác.
Nhất là thời kỳ phim lồng tiếng, giọng khác quá, tôi không chịu được nên tôi không xem. Nhiều người hỏi lại: Tại sao anh không tự lồng để cứu sống mình? Bởi tôi không quan trọng lắm, ai mời thì nhận không mời thì thôi.
Những “linh hồn” Nhà hát
Nói như thế có vẻ anh không “mặn mà” với truyền hình?
- Truyền hình đem lại cho tôi sự nổi tiếng, có đôi chút tiền nong nhưng đó không phải công việc chính. Công việc chính của tôi là sân khấu và tôi thành công rất nhiều với sân khấu nhưng không nổi tiếng. Tôi đóng Romeo, Hamlet… hàng trăm vai chính lớn nhỏ - hồi tôi còn đẹp trai nhưng chả ai biết đến cả chỉ có bạn trong nghề rất trân trọng. Đơn giản vì sân khấu không phủ sóng rộng như truyền hình. Nhưng tôi luôn tự hào về sân khấu.
Hơn nữa, hiện nay tôi là Giám đốc Nhà hát, sau lưng là 160 nghệ sĩ, tôi phải có niềm tự hào riêng. Tôi lại giống các bạn diễn viên ào ào ra VFC, hay các hãng phim để xin vai thì Nhà hát này thế nào?
Có vẻ từ ngày nhận trách nhiệm Giám đốc Nhà hát, anh mang rất nhiều gánh nặng?
- Tôi giờ chỉ chăm chút cho lớp trẻ, chăm lo, lưu giữ 160 “niềm yêu” trong thời loạn lạc của sân khấu. Các nghệ sĩ đến đây chỉ vì yêu thôi chứ tiền thì không có nhiều. Một tối diễn được 160.000 -200.000, thậm chí là 120.000/tối. Mà có khi 2 tuần mới được diễn một lần. Trong 160 người ấy, có 35 người lương chỉ được 1.960.000 đồng/tháng. NSƯT Chí Trung - Giám đốc cao nhất Nhà hát lương hơn 8 triệu đồng/tháng. Nghe mức lương thì lại bảo kể khổ nhưng đấy là sự thật. Nhưng tại sao họ vẫn đến, tại sao họ vẫn tập quần quật hăng say? Đó là niềm yêu mà tôi phải trân trọng!
Thực tế, không phải sân khấu không hay mà khán giả không tìm thấy cái hay ở sân khấu. Là Giám đốc nhà hát, anh khắc phục điều này như thế nào?
- Đúng. Không một sân khấu nào nhận là mình không hay nhưng khán giả đến thì không nhìn thấy cái hay của sân khấu và họ không muốn tìm ra cái hay để níu chân trở lại.
Xu thế này không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới, trừ 1 số sân khấu đặc biệt nổi trội như Las Vegas hay sân khấu Anh, Nga… Họ phải phân loại khán giả để phục vụ các đối tượng khác nhau, chứ không có món ăn chung cho tất cả khán giả. Nhưng Việt Nam chỉ làm chung một “món lẩu thập cẩm” dành cho nhiều khán giả vì hạn chế kinh phí, khát vọng, năng lực...
Hiện nay, Nhà hát của tôi tạm có những vở kịch minh họa cuộc sống làm thoả mãn các cháu thiếu nhi về phần nghe - nhìn chứ chưa hẳn kích sự sáng tạo, trăn trở. Còn đối tượng thanh niên là hoàn toàn mất.
Sự kiện giao lưu “Quỳnh búp bê” mới đây, nhiều người cho rằng tôi “mượn hơi” dàn diễn viên để kéo khán giả đến Nhà hát. Cái đó là đúng. Nhưng đây chỉ là 1 phần của chuỗi dự án, sau này có thể nhạc kịch, hip hop được kéo về đây để tạo sân chơi cho thanh niên. Trong quá trình đó tôi sẽ thay đổi tư duy dần dần.
Vậy ngoài ra, theo anh cái khó để sân khấu đến gần khán giả là gì?
- Đói kịch bản. Dựng kịch vô cùng khó vì những người viết kịch hiện giờ đang không hiểu đời sống. Những tác giả kịch bản phần nhiều là 50-60 tuổi thậm chí 70 tuổi vẫn viết kịch bản về thanh niên, về karaoke thác loạn nhưng họ không trải nghiệm nên thiếu tính thực tế.
Trong khi đó, giới trẻ có khả năng viết lách đều quay sang viết phim ảnh, sự kiện, không ai muốn viết dài hơi mà lâu bán như kịch sân khấu. Nên gần như mất dần kịch bản hay.
Đó là lý do vì sao tôi cho dựng nhiều vở kịch Lưu Quang Vũ vì nó hội đủ yếu tố, năng lượng, khát vọng, tính nhân văn, sự dự báo, tính thẩm mỹ và có cả nỗi đau đời.
Cảm ơn chia sẻ của anh!
Ngọc Mai (thực hiện)
COMMENTS